Cách cầu nguyện thường được gọi là “cầu nguyện với những bài hát từ Taizé” (đôi khi được biết đến với tên gọi chưa chính xác là “cầu nguyện Taizé”) bắt nguồn từ một cộng đoàn ở Pháp. Cái tên “Taizé” chỉ đơn giản là tên của một ngôi làng tại miền trung nước Pháp, nơi mà cộng đoàn này đang hiện diện. Cộng đoàn Taizé là một cộng đoàn tu viện truyền thống hiện có khoảng hơn một trăm thầy, bao gồm người Công giáo và các hệ phái Tin lành khác nhau, đến từ khoảng ba mươi quốc gia. Cứ mỗi tuần trong suốt năm, Cộng đoàn Taizé tiếp đón một lượng lớn những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới để cùng gặp gỡ nhau và cầu nguyện. Đôi lúc con số đó lên đến 5.000 người trong một tuần.
Việc cầu nguyện ở Taizé phát triển trong bối cảnh đặc biệt của Cộng đoàn Taizé, nhưng dần trở nên một phương pháp cầu nguyện vô cùng hiệu quả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau trên thế giới. Để giúp bạn hiểu rõ hơn, dưới đây là những dẫn nhập tóm lược về hoàn cảnh đặc biệt ở Taizé để tạo nên sự phát triển hình thức cầu nguyện này, với những chỉ dẫn như tại sao cầu nguyện theo cách này dường như có thể đánh động tới nhiều người trên thế giới hiện nay; và cuối cùng là các yếu tố để tổ chức một buổi cầu nguyện theo phương cách này, những ý tưởng để có thể sử dụng trong thực tế.
Cộng đoàn Taizé
Cộng đoàn Taizé được thành lập bởi Thầy Roger năm 1940 khi Đệ nhị thế chiến đang diễn ra, để trở nên một dấu chỉ nhỏ cho sự hòa bình và hòa giải trên thế giới. Trong những năm đầu, cộng đoàn rất nhỏ bé và không có nhiều người đến đó. Từ lúc sơ khởi, cộng đoàn gặp gỡ nhau để cầu nguyện ba lần một ngày. Phụng vụ được sử dụng ở cộng đoàn dựa trên những Thánh vịnh, bài đọc Lời Chúa, thánh ca và xướng đáp, như những giờ kinh phụng vụ truyền thống trong tu viện.
Vào khoảng thập niên 1960, những người trẻ bắt đầu đến Taizé ngày một nhiều hơn để cầu nguyện và nói chuyện với các thầy. Thầy Roger và cộng đoàn cảm nhận rằng đó chính là nhờ lời mời gọi của Thiên Chúa, và quyết định sẵn lòng tiếp đón các bạn trẻ dù vẫn còn thiếu chỗ ở. Điều này có nghĩa là phải sớm dựng lều, xây dựng những khu kí túc xá, và mở rộng nhà thờ. Tuy nhiên vẫn còn một thách thức cho vấn đề cầu nguyện: có hàng trăm, hoặc đôi lúc hàng ngàn người trẻ, đến đó trong vòng vài ngày, mà tất cả lại nói những ngôn ngữ khác nhau. Làm sao để có thể giúp họ tham gia cách tích cực trong việc cầu nguyện? Không phải tất cả đều có thể hát được Thánh vịnh và xướng đáp bằng tiếng Pháp. Nhưng điều quan trọng khác là họ không nên được coi như những khán giả của việc cầu nguyện trong cộng đoàn: cầu nguyện không phải để xem, nhưng là để tham dự, cả về thân xác, tâm trí và linh hồn.
Vì vậy, cộng đoàn đã tích cực tìm kiếm trong nhiều năm, và cuối cùng phát triển một cách cầu nguyện được sử dụng ở Taizé ngày nay. Nó không phải hoàn toàn là một khởi sự mới, nhưng được phát triển qua một quá trình thay đổi và đơn giản hóa phụng vụ hiện thời đã và đang được sử dụng ở Taizé, trong khi vẫn giữ lại những nhân tố thiết yếu của tinh thần chiêm niệm, suy niệm dựa trên Lời Chúa, và việc ca hát hân hoan những bài hát ca ngợi. Yếu tố đặc sắc nhất đã hình thành nên “những bài hát Taizé,” bao gồm những đoạn hát đơn giản với ý nghĩa sâu sắc, được hát bằng những giai điệu đẹp và được lặp lại nhiều lần. Những bài hát này được viết cho cộng đoàn bởi những nhạc sĩ chuyên nghiệp, và có những bài khác do một số thầy trong cộng đoàn viết.
Những bài hát Taizé đã lan truyền trên toàn thế giới. Đặc biệt, có rất nhiều người trẻ trở về nhà sau khi viếng thăm Taizé mong muốn tiếp tục gặp gỡ nhau để cầu nguyện cùng một cách tương tự. Thêm vào đó, trong suốt nhiều năm, Cộng đoàn Taizé đã giúp tổ chức những buổi gặp gỡ cho người trẻ ở khắp nơi trên toàn thế giới, đồng thời cộng tác với các ủy ban giới trẻ từ nhiều giáo phái khác nhau, để giúp người trẻ tiếp tục cầu nguyện, gắn kết với nhau trong sự tin tưởng, và nhìn xem các bạn trẻ đã đóng góp như thế nào vào xã hội khi nhìn nhận lấy trách nhiệm và cam kết của bản thân. Những bài hát của Taizé luôn song hành trong hành trình đó và dần trở nên phổ biến với giới trẻ ở khắp nơi.
Cầu nguyện trong nhiều hoàn cảnh khác nhau
Điều gì đã làm cho cách cầu nguyện này trở nên hiệu quả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau? Cộng đoàn Taizé không ngừng ngạc nhiên bởi những bài hát và lời cầu nguyện của họ được trân trọng và đâm rễ sâu trong các lục địa, từ những vùng thôn quê cho đến thành thị, từ những người nghèo cho đến người giàu có, người ít học lẫn người trí thức. Không thể lý giải hết điều này, ta chỉ có thể nhấn mạnh hai yếu tố có thể đóng vai trò quan trọng.
Một không gian để khám phá sự thinh lặng
Điều đầu tiên là con người luôn cần sự bình tâm và thinh lặng. Đây là cơn khát đôi lúc bị ẩn giấu, nhưng nó hiện diện sâu thẳm trong hầu hết mọi người, và đặc biệt gay gắt trong một thời điểm như ngày nay, khi mà nhịp sống trên thế giới càng hối hả hơn. Nhiều người sống một đời sống bận rộn suốt ngày với công việc hoặc học hành, và thời gian rảnh lại dành cho những hoạt động khác – xã hội, thể thao, âm nhạc, hoặc Internet. Công nghệ hiện đại và phương tiện truyền thông khiến nhiều người liên tục đón nhận một dòng chảy thông tin đủ loại. Tất cả những điều này khiến chúng ta có rất ít không gian và thời gian để dừng lại cân nhắc cho những ưu tiên của chúng ta, để khám phá hoặc tái khám phá những gì thực sự trong trái tim chúng ta. Một điều mà cầu nguyện theo cách thức của Cộng đoàn Taizé mang lại là một không gian để khám phá sự thinh lặng này. Thường không dễ để đi thẳng từ những công việc bận rộn của cuộc sống hằng ngày vào một sự thinh lặng thuần túy; chính những bài hát tĩnh lặng, với sự lặp lại của những giai điệu giúp ta bình tâm, tạo ra một cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa cuộc sống hằng ngày và sự thinh lặng thật sự. Và một khi ta cảm nghiệm sự thinh lặng này, ta sẽ dễ dàng có được sự xúc động sâu sắc. Thật tuyệt vời khi thấy ở Taizé một đám đông 5.000 bạn trẻ ngồi rất chăm chú khoảng mười phút trong sự thinh lặng hoàn toàn trong những giờ cầu nguyện, chỉ đơn giản là đặt mình hiện diện trước mặt Thiên Chúa. Những bạn trẻ này cũng như bao bạn trẻ bình thường khác, quen giao tiếp qua điện thoại di dộng và thích nghe nhạc ồn ào hiện đại; chỉ là nội tâm sâu xa bên trong họ cần có cơ hội để bộc lộ ra thôi.
Mầu nhiệm ở đây chính là: điều đánh động người ta nhất trong cách cầu nguyện Taizé hầu như luôn luôn là thời gian thinh lặng ở giữa, thường kéo dài khoảng mười phút. Thinh lặng tự nó không có ý nghĩa gì. Sau tất cả những ngôn từ, âm nhạc, tiến trình buổi cầu nguyện dần đi đến một điểm dừng. Tuy nhiên, chính trong khoảnh khắc tưởng như trống rỗng này, trái tim mới có thể lên tiếng và lắng nghe Thiên Chúa. Thầy Roger thường xuyên trích dẫn những lời của thánh Augustinô vốn dĩ có thể biểu lộ mầu nhiệm này: “Trái tim có một cái miệng, và trái tim cũng có một ngôn ngữ. Với cái miệng này chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa trong lòng, môi miệng chúng ta đóng nhưng con người bên trong chúng ta mở ra. Đó chính là sự thinh lặng, trái tim chúng ta hô lên: nó nói không phải với con người, nhưng với Thiên Chúa. Hãy chắc chắn rằng: Ngài đang lắng nghe bạn.” (trích Bình luận về Thánh vịnh của thánh Augustinô, câu số 8 phần Thánh vịnh 126). Trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người đều có khả năng tiềm ẩn để hiệp thông trong thinh lặng với Thiên Chúa, để chiêm niệm, thời gian thinh lặng trong cầu nguyện có thể đánh thức khả năng này.
Tập trung vào điều thiết yếu
Nhân tố thứ hai trong việc cầu nguyện theo cách của Cộng đoàn Taizé giúp việc cầu nguyện này trở nên hiệu quả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau vì tập trung vào những điều thiết yếu. Trong đức tin Kitô giáo, trong Kinh Thánh, trong một cuộc sống bước theo Chúa Kitô, có nhiều thực tại đẹp đẽ khác nhau. Nhưng giữa chúng, có một số là thực sự thiết yếu, trong khi những điều khác có vai trò thứ yếu hơn. Trong cách cầu nguyện này, sự nhấn mạnh là ở nơi những thực tại thiết yếu nhất. Người trẻ đến thăm Taizé chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, và có những người trong họ hiểu biết rất ít về đức tin. Vì vậy, dường như rất quan trọng để không làm họ rối rắm bằng việc nói về tất cả những khía cạnh của đức tin, nhưng chỉ tập trung vào những gì đơn giản nhất và sâu xa nhất. Ví dụ, những bài đọc từ Kinh Thánh thường ngắn và đã được chọn lọc cẩn thận: mỗi bài đọc, nếu có thể, nên đánh động đến đời sống của tất cả những người hiện diện, ngay cả khi kiến thức của họ giới hạn. Và thực sự cũng đúng khi nhiều điều trong số những khía cạnh thiết yếu nhất của đức tin rất đơn giản đến nỗi họ có thể bắt đầu hiểu cách dễ dàng trong khi những khía cạnh khác thường là rất sâu xa, vì vậy họ tiếp tục nuôi dưỡng những suy tư đối với nhiều tín hữu có nhiều kinh nghiệm hơn.
Những yếu tố của một buổi cầu nguyện theo phong cách Taizé
Nơi cầu nguyện
Nơi cầu nguyện rất quan trọng: khi người tham dự bước vào, khung cảnh và cách bài trí đã ẩn chứa như lời mời gọi họ đến với tâm tình cầu nguyện. Nếu có thể, hãy cầu nguyện trong nhà thờ, đây có thể là một dấu chỉ cho thấy chúng ta được hiệp thông trong lời cầu nguyện của giáo xứ – nơi cộng đoàn gặp nhau vào Chúa nhật hàng tuần và cùng nhau hướng về một Giáo hội rộng lớn hơn trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, cũng có thể cầu nguyện trong một căn phòng nào đó hay thậm chí ở ngoài trời, một địa điểm yên tĩnh và ánh sáng không quá chói. Những vật dụng không cần thiết nên được dọn dẹp trước đó, không chi phối người tham dự. Nếu có thể hãy sắp xếp một không gian với một tấm thảm và vài ghế nhỏ hoặc gối, để những ai cần có thể ngồi hoặc quỳ trên sàn. Đây là một dấu chỉ của đức tính đơn sơ; và với cử chỉ của cơ thể, đơn giản như việc quỳ gối hoặc ngồi, có thể xem như đã biểu lộ được lời cầu nguyện rồi. Ghế ngồi có thể đặt ở bên hông hoặc phía sau cho những người cần. Tốt nhất là mọi người cùng quay về một hướng, như thể nhắc rằng chúng ta không chú ý vào chính mình, nhưng vào Đức Kitô. Tiêu điểm có thể là bàn thờ nếu buổi cầu nguyện diễn ra trong nhà thờ; hoặc là một hoặc vài bức icon hoặc một cuốn Kinh Thánh (đang mở) nếu như cầu nguyện ở nơi khác. Nếu có thể đặt nến tại những tiêu điểm này thì rất tốt: mọi thứ nên được sắp xếp đơn giản. Phong cách điềm đạm này (chẳng hạn như những bức vẽ icon từ truyền thống của Chính thống giáo) thì thường tốt hơn cách trang trí nhiều màu sắc. Sắp xếp những cây nến cách ngẫu nhiên, tựa như những ngôi sao trên bầu trời đêm cũng là một cách hiệu quả, thay vì một vài cây nến được sắp xếp theo kiểu đối xứng với nhau. Những miếng vải màu (ít họa tiết) và bông hoa hoặc những cành khô cũng có thể được sử dụng. Điều cần hướng tới chính là nét đẹp và sự đơn sơ.
Tốt nhất là nơi cầu nguyện phải được chuẩn bị sẵn và yên lặng trước khi mọi người đến. Nếu có tập hát trước đó, thì nên tập hát nên nhẹ nhàng để mọi người bước vào buổi cầu nguyện với một tâm thế bình an. Riêng người có trách nhiệm về âm nhạc cần ý thức rằng chủ đích ta nhắm đến không phải là một buổi hòa nhạc: vẻ đẹp của việc ca hát là giúp cộng đoàn hát lên tâm tình cầu nguyện của họ. Trong một nhóm lớn, có thể có một ca đoàn và những nhạc công. Vai trò của họ là hỗ trợ cho việc ca hát của cộng đoàn. Tốt nhất nếu ca đoàn và nhạc công ngồi ở bên hông hoặc phía sau, để người tham dự không bị chia trí tầm mắt. Tương tự, linh mục hoặc người dẫn nguyện không đứng ở phía trước cộng đoàn. Dĩ nhiên vẫn cần người quyết định bài nào được hát, thứ tự những phần khác nhau trong buổi cầu nguyện, v.v,…. Nhưng trong suốt quá trình cầu nguyện, không ai đứng lên ở phía trước (ngoại trừ những người có trách nhiệm: đọc bài đọc hay ban phép lành cuối cùng). Những thông báo diễn tiến buổi cầu nguyện nên hạn chế tối thiểu; nếu thực sự cần thiết, có thể thông báo nhẹ nhàng, từ phía sau hoặc giữa cộng đoàn.
Cấu trúc của buổi cầu nguyện
Buổi cầu nguyện thường bao gồm các bài hát Taizé, một hoặc hai bài đọc ngắn từ Kinh Thánh, một khoảng thời gian thinh lặng, và cuối cùng là lời nguyện cộng đoàn.
Tuy một vài bài hát Taizé mang hơi hướng khác, nhưng hầu hết những bài còn lại đều ngắn, đơn giản, và được lặp đi lặp lại nhiều lần để cộng đoàn hát cùng nhau. Buổi cầu nguyện sẽ sâu lắng hơn nếu có những ca viên có khả năng hát những bè khác. Thông thường, những bài Taizé được viết ở thể hòa âm bốn bè (soprano-nữ cao, alto-nữ trung, tenor-nam cao, và bass-nam trầm); một số khác được soạn dưới dạng luân khúc (canon) – khi giai điệu bài hát được lập lại, và hát đuổi theo bè chính không lâu sau đó. Dạng này khi hát cần thêm một chút kinh nghiệm. Nếu cảm thấy không quen thuộc, chỉ cần hát giai điệu chính là đủ. Tuy nhiên, nếu trong cộng đoàn có những ca viên có thể hát bè 2, thì bài hát sẽ hay hơn nhiều. Trong quá trình chuẩn bị, nếu gặp phải những bài có bốn bè phức tạp, ta có thể hát hai bè là đủ; trong trường hợp này luôn ưu tiên hát bè nữ cao và nam trầm.
Khi cầu nguyện trong cộng đoàn lớn, sẽ tốt hơn nếu có sự hiện diện các ca viên vững bè, nhằm giữ cho nền hòa âm được chuẩn xác. Khi ấy, một ca viên có thể lĩnh xướng vài phiên khúc (trong sách lĩnh xướng Taizé), trong lúc cộng đoàn tiếp tục hát. Ngoài ra, Taizé cũng có một số bài hát nhất định mà khi hát phải luân phiên giữa “oh…” và những câu hát bình thường. Trong lúc cộng đoàn hát “oh…” thì sẽ có ca viên lĩnh xướng một dòng giai điệu khác để làm cho bài hát phong phú hơn.
Tất cả những bài hát Taizé đều có thể hát không cần nhạc đệm. Mặc dù vậy, các thầy cũng đã có biên soạn một tập sách dành riêng cho nhạc cụ, được sử dụng khi cần thiết. Trong buổi cầu nguyện thông thường, nên có một keyboard (đàn organ điện tử) hoặc đàn ghita đệm cho cộng đoàn để giữ vững cao độ và nhịp phách, tránh việc cộng đoàn hát trì trệ và lệch tông. Khi đệm, không nên chơi quá lớn vì có thể lấn át tiếng hát của cộng đoàn. Đàn keyboard nên sử dụng âm sắc “cổ điển”, tránh các loại tiếng mang âm sắc “điện tử”. Riêng đàn ghita nên sử dụng kĩ thuật móc cổ điển, thay vì rải hợp âm, để giúp các bài hát luôn ở trong trạng thái suy niệm. Mục đích cao cả của nhạc cụ là phải luôn luôn nâng đỡ và hỗ trợ cho các bè.
Một thể loại khác trong các bài Taizé là Alleluia và Kyrie eleison. Các bài này thường là câu tung hô hoặc câu đáp được hát bởi cộng đoàn, luân phiên với lĩnh xướng (có thể là lời ca hoặc lời nguyện). Khi ấy, cộng đoàn sẽ kéo dài âm “oh” hoặc “hmm” sau câu đáp, và người lĩnh xướng sẽ hát hoặc ứng tấu các phiên khúc. Có một điểm cần lưu ý là hòa âm của phần “oh” thường sẽ thay đổi ở đoạn cuối trước khi lặp lại câu đáp. Việc xướng cùng nhau sẽ tạo nên một âm thanh vang dội, đồng điệu trong sự khác biệt của từng cá thể; cùng nhau ca tụng Thiên Chúa trong tình liên đới. Riêng những bài Kyrie eleison, đôi lúc người lĩnh xướng cũng có thể đọc lời nguyện trong lúc cộng đoàn hát “hmm…” chứ không hát thành giai điệu. Nếu cộng đoàn không thể hát “hmm…” hay “oh…”, người lĩnh xướng có thể thay thế câu hát bằng những lời nguyện thông thường. Tốt nhất nên chuẩn bị lời nguyện trước khi bước vào buổi cầu nguyện. Trong suốt thời gian thinh lặng, cộng đoàn có thể đến với Chúa bằng những lời nguyện riêng của họ, vì vậy những lời nguyện mang tính cá nhân không phải lúc nào cũng cần thiết. Cần cố gắng cô đọng và tóm gọn lời nguyện, không nên sử dụng quá nhiều từ ngữ. Ngoài ra, giữa những lời nguyện không nên có thinh lặng.
Sứ mệnh của các bài Taizé là giúp mọi người ở lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy cố gắng hát đủ lâu, để sự chia trí trong cộng đoàn được vơi đi, tạo điều kiện cho ca từ thẩm thấu vào tâm trí: thông thường mỗi bài hát kéo dài khoảng từ bốn đến sáu phút. Số lần hát không cần phải ấn định từ trước, nhưng một ca viên hay nhạc công có thể được phân công để kết thúc bài hát và bắt đầu bài tiếp theo. Không ấn định về thời gian giúp mỗi người cảm nếm được sự tự do trong việc cầu nguyện. Người dẫn có thể lắng nghe và quan sát cộng đoàn, nếu như họ vẫn còn hát hăng say thì ta có thể kéo dài bài hát một chút hoặc kết thúc sớm hơn tùy trường hợp.
Đa số các bài Taizé đã được dịch qua nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên, khi bài hát đang được cất lên, ta không nên dịch chuyển qua ngôn ngữ khác. Điều này rất quan trọng vì có thể gây chia trí cho cộng đoàn. Đồng điệu trong ngôn ngữ và ca từ là cách tốt nhất để thẩm thấu ý nghĩa của bài hát.
Cũng nên quan tâm đến nhịp phách, vì các bài hát sẽ hay nhất khi nhịp được giữ vững và hướng về phía trước, không kéo dài lê thê. Mặt khác, nên cẩn trọng hát đúng trường độ của những nốt nhạc như được viết. Đôi lúc người hát có khuynh hướng lướt nhanh những nốt dài hoặc ngân dài những nốt ngắn, hoặc đặt dấu nhấn sai chỗ. Những điều này làm giảm đi vẻ đẹp của âm nhạc Taizé.
Không có quy luật chính xác bài hát nào sẽ được sử dụng vào thời điểm nào. Những ca từ hầu hết được lấy từ Kinh Thánh; số còn lại lấy từ lời nguyện của các thánh hoặc các nguồn khác. Khi chọn bài hát, người tổ chức có thể xem xét dựa trên chủ đề và sắc thái âm nhạc mà mình mong muốn có trong buổi cầu nguyện, đôi lúc có thể liên kết với bài đọc Kinh Thánh. Chương trình sẽ tốt hơn nếu có sự đa dạng về màu sắc – một số bài êm đềm và dễ suy niệm hơn, một số bài vui tươi hân hoan hơn. Tuy nhiên cần tránh xen kẽ hai màu sắc này với nhau, có thể gây đứt quãng trong tâm tình cầu nguyện.
Diễn tiến một giờ cầu nguyện tiêu biểu
1. Một hay hai bài hát dẫn nhập để giúp mọi người đi vào giờ cầu nguyện.
2. Thánh vịnh: một người sẽ đọc hay hát solo các câu Thánh vịnh – thường thì từ năm đến bảy câu là thích hợp – cộng đoàn đáp lại bằng cách hát Alleluia sau mỗi câu.
3. Một bài đọc từ Kinh Thánh: nên là một đoạn có thể hiểu được mà không cần giải thích, và không nên quá dài vì sẽ khiến mọi người gặp khó khăn hơn trong việc suy ngẫm ý nghĩa.
4. Một bài hát khác, nên là một bài đơn giản.
5. Thinh lặng một lúc, khoảng từ 7 đến 10 phút. Nếu mọi người không quen với điều này, nên có lời giải thích trước khi giờ thinh lặng bắt đầu. Nếu cần, lúc ấy có thể thông báo ngắn rằng: “Thưa cộng đoàn, giờ cầu nguyện sẽ được tiếp tục với ít phút thinh lặng.” Mỗi người có thể sử dụng giờ thinh lặng theo như ý mình muốn: suy niệm bản văn Kinh Thánh vừa được đọc, hay cầu nguyện với những lời trong tâm hồn của riêng mình, hay chỉ đơn giản là ở lại trong sự hiện diện của Chúa một cách thinh lặng.
6. Các lời nguyện, được xen kẽ bằng câu hát Kyrie eleison và diễn ra giống như hát Alleluia: các lời nguyện có thể do một người đọc hoặc hát solo. Mọi người đáp lại bằng câu hát Kyrie eleison để làm cho lời nguyện trở thành của mình. Nếu lời nguyện được hát thì cần chuẩn bị trước. (Nếu có thể được thì sau các lời nguyện đã được chuẩn bị, các thành viên trong cộng đoàn có thể dâng lời nguyện ngắn gọn của riêng mình, và mọi người hát Kyrie eleison sau mỗi lời nguyện. Các lời nguyện này nên ngắn gọn và hướng đến Thiên Chúa, chứ không phải là các tư tưởng hay gợi ý cho cộng đoàn.
7. Kinh Lạy Cha, cộng đoàn đọc hoặc hát lên theo một giai điệu quen thuộc với tất cả mọi người.
8. Đọc một lời cầu nguyện hay lời chúc lành ngắn gọn. Tại Taizé thì do vị bề trên cộng đoàn đọc. Nếu có một linh mục hay mục sư hiện diện, thì ngài có thể đọc lời chúc lành.
9. Giờ cầu nguyện có thể được kết thúc với hai hoặc ba bài hát. Trong một vài trường hợp có thể có người muốn ở lại lâu hơn và tiếp tục cầu nguyện với một vài bài hát nữa, nếu hoàn cảnh cho phép thì rất nên khuyến khích điều này. Giờ cầu nguyện tối tại Taizé thường được kéo dài thêm vài giờ nữa theo cách này cho đến tối khuya.
Diễn tiến căn bản của một giờ cầu nguyện như trên có thể được đơn giản hóa bằng cách bỏ bớt một số phần (nhưng luôn phải giữ lại phần thinh lặng); hay có thể mở rộng bằng cách thêm nhiều bài hát nữa và, nếu cần, một đoạn Kinh Thánh thứ hai.
“Cầu nguyện quanh Thánh Giá” và “Cử hành Ánh sáng Phục Sinh”
Trong các buổi cầu nguyện với những bài hát Taizé, ta cũng có thể thêm vào hai thành phần khác:
“Cầu nguyện quanh Thánh Giá” (còn được gọi là suy tôn Thánh Giá): trong khi cộng đoàn hát các bài hát cuối giờ cầu nguyện, một icon Thánh Giá có thể được rước ra giữa hoặc gần phía trước nơi cầu nguyện, và được đặt trên miếng lót cố định. Những ai muốn có thể tiến lại gần Thánh Giá, quỳ bên cạnh, cúi đầu và để cho trán chạm vào Thánh Giá trong ít phút. Cử chỉ này tượng trưng cho việc trao gửi cho Đức Kitô những gánh nặng của chúng ta hay của người khác. Đây là cử chỉ được các tín hữu thuộc Chính thống giáo Nga đề xuất với Cộng đoàn Taizé vào những năm 1970 và từ ấy được cử hành như một phần trong giờ cầu nguyện tối thứ sáu.
“Cử hành Ánh sáng Phục Sinh”: trong khi cộng đoàn hát các bài hát cuối giờ cầu nguyện, với chủ đề ngợi khen Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, mỗi người sẽ thắp sáng một cây nến nhỏ (được phát trước buổi cầu nguyện) và chuyền cho những người bên cạnh. Nếu giờ cầu nguyện diễn ra trong nhà thờ có một cây nến Phục Sinh thì có thể thắp sáng cây nến ấy trước khi giờ cầu nguyện bắt đầu, để khi đến phần cử hành ánh sáng thì chính từ cây nến Phục Sinh mà ngọn lửa sẽ được thắp cho những cây nến đầu tiên, rồi sau đó được lan tỏa đến cho tất cả mọi người. Nếu có trẻ em tham dự, các em có thể thắp những cây nến đầu tiên, rồi sau đó mang đến những vị trí khác trong nhà thờ.
Tại Taizé, nghi thức Ánh sáng Phục Sinh được tổ chức mỗi tối thứ bảy. Ở những nơi khác, nếu có buổi gặp gỡ giới trẻ được tổ chức với nhiều giờ cầu nguyện trong vài ngày, thì nghi thức này có thể được tổ chức sau ngày có giờ cầu nguyện quanh Thánh Giá – nếu được, vào chiều tối ngày thứ sáu và thứ bảy, như trong Tuần Thánh. Đối với buổi cầu nguyện chỉ diễn ra trong một dịp cụ thể, đôi khi sẽ tốt hơn nếu kết hợp cả hai nghi thức, vì nhờ vậy mà không bỏ quên mặt này hay mặt kia trong hai khía cạnh của diễn tiến Vượt Qua và Phục Sinh của Đức Kitô. Trong trường hợp này, giờ cầu nguyện quanh Thánh Giá có thể bắt đầu sau kinh Lạy Cha hoặc sau lời chúc lành. Khi tất cả những ai muốn cầu nguyện bên Thánh Giá đã tiến đến cạnh Thánh Giá – giữa lúc các bài hát nhẹ nhàng hơn được cất lên – thì sau đó, có thể hát một bài về chủ đề Phục Sinh trong khi các cây nến được thắp lên từng cây một.
Hình thức này có thể được xem như một phương pháp cầu nguyện. Đây không phải một linh đạo cụ thể và cũng không nhằm thay thế các hình thức phụng vụ hiện có. Đơn giản đó chỉ là một cách thức nhằm giúp mọi người cùng cầu nguyện với nhau, một cách thức có thể được sử dụng linh động trong các hoàn cảnh khác nhau và không gây khó khăn cho những người có ít kinh nghiệm về cầu nguyện phụng vụ.
Lưu ý cuối cùng: các thầy trong Cộng đoàn Taizé và những bạn trẻ đến thăm Taizé đến từ các giáo hội khác nhau, có cả Công giáo và Tin lành. Thầy Roger, vị sáng lập Cộng đoàn Taizé, đã không ngớt nhớ đến lời nguyện mà Đức Giêsu dành cho các môn đệ của Ngài: “Nguyện xin cho họ nên một, nhờ vậy mà thế gian sẽ tin.” Hình thức cầu nguyện này có thể mở ra nhiều triển vọng cho các nghi lễ mang tính đại kết. Không gây nên các vấn đề khó khăn về thần học và quản trị, đây có thể là một cách thức giúp các tín hữu thuộc các truyền thống khác nhau nhận ra rõ hơn rằng: tất cả đều là những người đi theo cùng một Thiên Chúa, Đấng khao khát hiệp nhất tất cả các môn đệ của Ngài lại, nên như một chứng tá cho tình yêu thương của Cha Ngài.
Bạn có thể tìm thêm các thông tin khác trên trang web Taizé www.taize.fr. Các trang “giới thiệu các bài hát” sẽ giúp bạn nghe riêng từng giọng bè trong bài hát. Trang web cũng có danh sách các bản thu âm được thực hiện tại Taizé hay với sự cộng tác của cộng đoàn.
Phần đệm đàn dành cho các bài hát nằm trong cuốn đệm đàn dành cho các nhạc cụ.
Bạn có thể dùng mẫu sau đây để chuẩn bị cho một “giờ cầu nguyện sử dụng những bài hát Taizé”
Bài hát dẫn nhập: 1) _________________
2) _________________
Thánh vịnh với Alleluia: Thánh vịnh________
_________________
_________________
Bài đọc: _________________
Bài hát (đơn giản): _________________
Thinh lặng (7 đến 10 phút)
Các lời cầu nguyện, kết thúc với Kyrie eleison
_________________
_________________
Kinh Lạy Cha
Lời nguyện ngắn, hay ban phép lành
Các bài hát:
1) _________________
2) _________________
(trích từ sách Những bài hát từ Cộng đoàn Taizé)