OCP

   

Vào mỗi Chúa nhật, hàng triệu người Công giáo trên khắp thế giới cất tiếng hát trong cử hành Thánh Lễ. Chúng ta hát những bài thánh ca và những bài hát trở thành một phần của cuộc sống của chúng ta như các bài Holy Holy (Bộ lễ Heritage), “Here I Am, Lord,” “On Eagle’s Wings.” Chỉ cần một trong vài bài trên đã có thể giúp trái tim chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của Thánh Lễ, và tất cả những bài hát này đều được bảo vệ bởi luật bản quyền.

Được bảo vệ bởi luật bản quyền ư? Bạn có thể tự hỏi mình “Đây là những bài hát được sử dụng trong nhà thờ mà”. Đúng vậy, đây là những bản nhạc Công giáo, nhưng chúng cũng là sở hữu trí tuệ của các nhạc sỹ. Chúng được họ sáng tác, bằng sự giao thoa giữa đức tin và óc sáng tạo của mình, để tạo ra âm nhạc cho Giáo hội chúng ta.

Khái niệm cơ bản về bản quyền
Khi là tác phẩm có bản quyền, những bài hát này được bảo vệ bởi luật bản quyền trên toàn thế giới, hoặc theo luật của từng quốc gia và những luật khác liên quan đến việc cấp phép âm nhạc. Chúng không thể được in lại, thu âm, phát thanh hoặc truyền hình mà không có sự cho phép của bên quản lý bản quyền. Quyền được trình diễn và phân phối các tác phẩm này cũng do bên giữ tác quyền nắm giữ.

Bản quyền kéo dài bao lâu?
Các bài hát được sáng tác tại Hoa Kỳ sau năm 1976 được bảo vệ theo luật bản quyền liên bang, miễn là chúng được định hình trong một phương tiện hữu hình (ghi âm, bản nhạc, v.v.). Bản quyền này tồn tại trong suốt cuộc đời của tác giả, cộng thêm 70 năm. Mục tiêu là để bảo vệ tác phẩm của tác giả và duy trì tính toàn vẹn của những tác phẩm đó, mà không gây ảnh hưởng đến ý tưởng ban đầu của nhạc sỹ.

Chẳng hạn, trong cuốn Breaking Bread do OCP phát hành cho năm 2019 tại Mỹ, bài hát “Here I Am, Lord” của Daniel L. Schutte có một dòng bản quyền bên dưới bài hát được viết thế này:

Text: based on Isaiah 6. Text and music © 1981, OCP. All rights reserved.

Có nghĩa là Schutte đã lấy ý tưởng từ đoạn Kinh Thánh để viết lời và sáng tác nhạc vào năm 1981, và hiện tại ông vẫn còn sống. Bài hát này vẫn được bảo vệ bởi luật bản quyền và nó có thể được bảo vệ trong 100 năm nữa. Điều này bao gồm tất cả các bản in, nhạc kỹ thuật số và các bản ghi âm.

Bất cứ bài hát nào được sáng tác ở Hoa Kỳ trước năm 1976 đều được xét theo bộ luật năm 1909. Luật năm 1909 bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong 56 năm tính từ ngày tác phẩm được đăng ký bản quyền. Khoảng thời gian này ngắn hơn nhiều so với luật bảo vệ bản quyền năm 1976. Với nguyên tắc trên, chúng ta hãy xem dòng bản quyền dưới đây cho bài “Morning Has Broken” của Eleanor Farjeon.

Text: 55 54 Eleanor Farjeon, 1981-1965 © 1957, Eleanor Farjeon. All rights reserved. Reprint by permission of Harold Ober Associates, Inc. Music: Traditional Gaelic melody.

Eleanor Farjeon giữ tác quyền phần lời bài thánh ca này vào năm 1957. Căn cứ theo luật năm 1909, bản quyền này đã hết hạn vào năm 2015, 56 năm sau khi bài hát được đăng ký bản quyền. Vậy, tại sao văn bản này vẫn được bảo vệ?

Đạo luật bản quyền năm 1976 quy định rằng bất kỳ điều gì được viết tại Hoa Kỳ trước năm 1976 đều được bảo vệ theo luật năm 1909 và chỉ được bảo vệ trong 56 năm kể từ ngày có bản quyền âm nhạc. Tuy nhiên, phần lời bài hát này được sáng tác ở Anh. Thời hạn bảo vệ bản quyền ở Vương quốc Anh khác với thời hạn bảo vệ ở Hoa Kỳ.

Nhưng còn những bài thánh ca như “Joyful, Joyful, We Adore Thee” hay “Immaculate Mary” thì sao? Đây là những bài hát nổi tiếng, được sử dụng trong Thánh Lễ và cũng là tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, hai bài thánh ca này là những ví dụ về các bài hát thuộc vào phạm vi cộng đồng. Khi một tác phẩm thuộc phạm vi cộng đồng, điều đó có nghĩa là tài sản trí tuệ đã thuộc về công chúng. Các bài thánh ca trong phạm vi cộng đồng có thể được in lại, ghi âm lại, phát sóng hoặc truyền kỹ thuật số mà không cần phải xin phép và việc này hoàn toàn không vi phạm bản quyền.

Luật bản quyền có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp âm nhạc không?
Đúng vậy. Gần đây, với Đạo luật Hiện đại hóa âm nhạc năm 2018 của Hoa Kỳ, các nhà soạn nhạc và chủ sở hữu sẽ bắt đầu nhận tiền bản quyền thông qua một tổ chức phi lợi nhuận làm việc với các dịch vụ phát trực tuyến (như Apple Music hoặc Spotify). Cơ quan này cũng sẽ thiết lập tỷ suất mà các nhà phân phối sẽ trả. Mục tiêu là để đảm bảo việc thanh toán phù hợp, chính xác và dễ dàng cho chủ sở hữu bản quyền.*

*Những khoản tiền bản quyền này không đồng nghĩa với việc cấp quyền tái sản xuất (mechanical licensing) cho người sử dụng dịch vụ của các trang phát nhạc trực tuyến. Vì chúng hoạt động trên các hệ thống khác nhau và với tỷ suất chi trả khác nhau.

Làm thế nào để chúng ta biết một bài hát có bản quyền hay không?

Hãy tìm dòng bản quyền dưới mỗi bài thánh ca được in. Nếu bài thánh ca có dòng bản quyền bao gồm ký hiệu ©, có nghĩa là bài hát này vẫn có bản quyền và bạn cần phải xin phép khi muốn sao chép hoặc sử dụng bài thánh ca này dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu dòng bản quyền bên dưới bài thánh ca được sao chép không bao gồm ký hiệu ©, thì rất có thể, nó nằm trong phạm vi cộng đồng. Đây là một trong những lý do tại sao cục bản quyền và việc đăng ký bản quyền rất quan trọng. Họ không chỉ xác nhận quyền sở hữu của nghệ sĩ trên một tác phẩm nhất định ấy, mà họ còn đảm bảo rằng tác phẩm đó được sử dụng một cách công bằng và phù hợp.

Thông tin tác quyền được in bên dưới bài hát “Joyful, Joyful, We Adore Thee” trong cuốn Breaking Bread như sau:

Text: 87 87; Henry van Dyke, (1852-1933), alt, Music: Ludwig van Beethoven, 1770-1827; adapt. by Edward Hodges, 1796-1867.

Không có biểu tượng bản quyền xuất hiện trong câu tác quyền này. Điều này thông báo cho người đọc rằng bài hát thuộc phạm vi cộng đồng.

Các biên tập viên âm nhạc cho cuốn sách Breaking Bread đã phải xác minh xem mỗi bài hát vẫn còn được bảo vệ bản quyền hay đã rơi vào phạm vi cộng đồng. Dựa vào luật bản quyền năm 1909 và 1976 của Hoa Kỳ, chúng ta có thể xác minh trạng thái của bài “Joyful, Joyful, We Adore Thee” và có thể thấy quyết định của các biên tập viên là chính xác.

Henry Van Dyke, người Mỹ, đã viết lời cho bản nhạc này vào năm 1907. Theo luật năm 1909, văn bản sẽ được bảo vệ cho đến năm 1963. Tuy nhiên, Van Dyke đã viết văn bản ở Anh chứ không phải Mỹ. Vì vậy, theo luật bản quyền năm 1976 của Hoa Kỳ, văn bản thuộc luật pháp của Vương quốc Anh. Luật bản quyền của Vương quốc Anh bảo vệ bản quyền trong 70 năm kể từ ngày kết thúc năm mà tác giả của tác phẩm qua đời bất kể bài hát được sáng tác lúc nào. Ký hiệu bên dưới bài hát thông báo cho người đọc rằng van Dyke đã chết vào năm 1933. Theo quy tắc này, chúng ta sẽ thêm 70 năm vào cuối năm 1933. Do đó, phần lời của bản nhạc này rơi vào phạm vi cộng đồng vào ngày 1 tháng Giêng năm 2004.*

*Trước khi Van Dyke viết lời, phần nhạc của bài này đã rơi vào phạm vi cộng đồng 70 năm sau cái chết của Edward Hodges; vì ​​bản hoà âm của Edward Hodges cho tác phẩm “The Hymn of Joy” của Beethoven kéo dài thời hạn bản quyền cho bài này chỉ đến năm 1937.

Những loại luật bản quyền về sự sáng tạo này đã được ban hành để bảo vệ những người tạo ra sở hữu trí tuệ. Bằng cách chính thức công nhận các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc hoặc văn bản gốc là tài sản, luật pháp đã cấp quyền sở hữu bản quyền cho người sáng tạo.

Tại sao các nhà xuất bản và hãng thu âm tồn tại?
Các nhà soạn nhạc và tác giả muốn những bài thánh ca của họ được hát, và điều này đặc biệt đúng với những bài thánh ca được sáng tác cho Thánh Lễ. Cách tốt nhất để những bài thánh ca của họ được công chúng biết đến là để chúng được xuất bản bởi một nhà xuất bản âm nhạc Công giáo. Các nhà soạn nhạc gửi bài thánh ca mới của họ cho các nhà xuất bản để xem xét. Khi một bài thánh ca được chấp nhận để xuất bản, một hợp đồng tác quyền sẽ được ký kết. Nó cho phép nhà xuất bản âm nhạc đóng vai trò là nhà xuất bản độc quyền và đại lý cấp phép cho bài thánh ca. Tác giả vẫn là chủ sở hữu bản quyền của bài thánh ca và sẽ kiếm được tiền bản quyền khi tác phẩm âm nhạc được xuất bản, ghi âm, phát sóng hoặc cấp phép. Tiền bản quyền mang lại thu nhập cho các tác giả, việc này giúp họ tiếp tục sáng tác các bản thánh ca mới để sử dụng trong Thánh lễ.

Sự thật thú vị là các tác giả thậm chí có thể nhận được tiền bản quyền biểu diễn bất cứ khi nào một bài hát được trình diễn công khai hoặc phát qua radio, truyền hình, hoặc tại các nhà hàng, v.v.

Các nhà xuất bản, hãng thu âm và đại lý cấp phép trong ngành công nghiệp âm nhạc làm việc với các công ty về bản quyền để bảo vệ tài sản trí tuệ của tác giả. Một công ty luật có thể giúp đảm bảo việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền không bị giới hạn địa lý của các vi phạm tác quyền và các nhạc sĩ được đền bù tương xứng cho công việc của họ. Khi các vấn đề về tác quyền đã được các nhà xuất bản và quản lý tác quyền lo liệu, chủ sở hữu bản quyền (tác giả) có thể tiếp tục sáng tạo mà không phải liên tục theo dõi việc tác phẩm của họ được sử dụng thế nào.

Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta?
Khi chúng ta hát hoặc nghe các bản nhạc hay mà chúng ta sử dụng trong Thánh lễ, chúng ta có thể không nghĩ đến chủ sở hữu bản quyền hoặc các quy định về tác quyền cho mỗi bài thánh ca. Chúng ta chỉ muốn cảm nhận âm nhạc khi nó đưa chúng ta đến gần với Lời Chúa hơn.

Nhưng bạn hãy nhớ, nhiều bài thánh ca có bản quyền. Nếu bạn muốn phân phối các bản ghi âm hoặc bản in của các bài thánh ca có bản quyền, bạn cần phải xin phép chủ sở hữu hoặc bên quản lý bản quyền.

Để biết thêm thông tin về bản quyền, luật âm nhạc, luật bản quyền liên bang Mỹ và các bài viết liên quan khác, vui lòng truy cập onelicense.net.

Bạn cũng có thể có được quyền in lại cho mục đích thương mại với sự cho phép của OCP. Tìm hiểu thêm tại đây: https://www.ocp.org/en-us/reprint-permissions

Thiên Vũ, Tâm Bùi, Tú Bùi chuyển ngữ từ bài viết tiếng Anh của OCP: Music copyright laws and licensing.

  • 1. Tại Việt Nam, các bài hát thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết (Điều 27, câu 2, khoản b – Luật SHTT 2009)
  • 2. Năm 1945, bài Thánh ca bất hủ Hang Bê Lem của cố nhạc sĩ Hải Linh được in riêng ra 500 bản để bán với giá khoảng 3 hào. Giáo sư linh mục Kim Định đã mua một bản danh dự với giá 100 đồng. (Xem thêm tại đâyđây)
  • 3. Có thể nói, hiện nay tại Việt Nam, các nhạc sỹ Thánh ca chưa chú trọng nhiều đến vấn đề tác quyền. Các nhạc sỹ thấy vui hơn khi nhạc của họ được cất lên trong các Thánh lễ. Còn những người sử dụng thì thường mặc định đã là nhạc của nhà thờ thì luôn miễn phí. Điều này vô tình gây ra những rắc rối cho chính nhạc sỹ khi bài hát của họ bị lạm dụng và tranh chấp bản quyền trên các nền tảng trực tuyến như Facebook và Youtube. 
Chia sẻ trang này: