Rufino Zaragoza, OFM

   

Tại Việt Nam, rất nhiều đại chủng viện và các cộng đoàn đào tạo của dòng tu có thánh lễ tiếng Anh, thường là một tuần một lần, để giúp cho những tu sinh trẻ quen dần với các câu thưa đáp trong phụng vụ và những kinh nguyện bằng tiếng Anh. Tuy nhiên trong nhiều cộng đoàn, trình độ tiếng Anh của các chủng sinh hay tu sinh vẫn đang trong quá trình phát triển và việc cố gắng hát bốn bài hát tiếng Anh (trong Thánh Lễ) quả là một điều khó khăn. Bài viết này sẽ giải thích việc “Ca Dâng Lễ” không phải là phần quan trọng của Thánh Lễ và thậm chí cộng đoàn không cần phải hát phần này trong phụng vụ. Giáo hội cho phép thinh lặng hoặc dạo đàn trong lúc “Chuẩn bị Lễ vật”. Sau đó, bài viết sẽ tiếp tục đề cập đến việc lựa chọn các bài hát cho phần Chuẩn bị Lễ vật, và chú ý cách chọn những bài hát phù hợp.

    Những đề xuất sau đây dành cho các Thánh Lễ tiếng Anh tại Việt Nam; những hướng dẫn phụng vụ dành cho những quốc gia khác cũng sẽ dựa trên những nguyên tắc phụng vụ tương tự.

1. Cập nhật thuật ngữ: từ “Ca Dâng Lễ” thành “Ca Tiến Lễ”

    Để hiểu rõ hơn về Chuẩn bị Lễ vật, có thể tham khảo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (QCTQ #72-#77) và Giới thiệu Nghi Thức Thánh Lễ: Tư liệu Mục Vụ (Introduction to the Order of Mass: A Pastoral Resource) của Uỷ ban Phụng Tự – Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) Hoa Kỳ (IOM #100-#105). Trong khi đa số người Công giáo nghĩ rằng chúng ta đang “dâng lễ” trong lúc này, thì thực sự cộng đoàn chỉ “chuẩn bị” cho việc “hiệp cùng Đức Kitô dâng hy lễ lên Chúa Cha” sẽ diễn ra trong phần Kinh nguyện Thánh Thể (IOM #111). Tham khảo bài viết “Thay Đổi Cách Nhìn Và Thực Hành Liên Quan Đến Dâng Lễ – Bài Ca Tiến Lễ” của linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS để hiểu rõ thêm về chủ đề này. (Bài viết đã được đăng trong nội san Hương Trầm số 23 của Uỷ ban Thánh nhạc trực thuộc HĐGM Việt Nam phát hành tháng 4/2016). Sau nhiều thập kỷ được phản ánh qua thần học và phụng vụ, thuật ngữ mới “Preparation of the Gifts Song” dần dần thay thế thuật ngữ “Offertory Song” tại Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, việc cập nhật thuật ngữ tương tự đã được đề cập trong cuốn Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc, “Ca Tiến Lễ” thay cho “Ca Dâng Lễ” (#162). Nếu bạn đang cộng tác với những người nước ngoài trong các Thánh Lễ tiếng Anh vào ngày Chúa Nhật ở Việt Nam, việc sử dụng thuật ngữ “Preparation of the Gifts Song” có thể còn mới lạ đối với họ và bạn vẫn có thể nghe họ dùng “Offertory Song”.

2. Chuẩn bị Lễ vật không phải là điểm quan trọng trong phụng vụ cần nhấn mạnh

    Hầu hết các ca trưởng và nhạc công người Việt vẫn theo mô típ bốn bài hát cho một Thánh Lễ. Họ nghĩ rằng bổn phận chính của ca đoàn là hát: Ca Nhập Lễ; Ca Tiến Lễ; Ca Hiệp Lễ, và Ca Kết Lễ. Có thể họ chưa tham dự những buổi hội thảo hoặc chưa nghiên cứu kĩ về cuốn Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc (HDMVTN) của Uỷ ban Thánh Nhạc trực thuộc HĐGM Việt Nam đã phát hành vào tháng 4/2017. Tài liệu này có nhấn mạnh những phần quan trọng nhất trong phụng vụ cần nên hát là Bộ Lễ, Thánh Vịnh Đáp Ca, Ca Nhập Lễ, Ca Hiệp Lễ. Cộng đoàn không nhất thiết phải hát trong lúc Chuẩn bị Lễ vật. Thật vậy, thậm chí không có tài liệu phụng vụ nào yêu cầu ca đoàn hay cộng đoàn phải hát trong lúc Chuẩn bị Lễ Vật. Tại Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng cách hiểu về phụng vụ này trong hai trường hợp mục vụ như sau.

    Trong Thánh lễ hằng ngày tại các đại chủng viện hoặc các cộng đoàn đào tạo, việc luôn hay hát bốn bài cần được cân nhắc lại. Các bài hát quan trọng nhất là Ca Nhập Lễ và Ca Hiệp Lễ. Trong phần Chuẩn bị Lễ vật, không nhất thiết phải có bài hát và cộng đoàn có thể thinh lặng (để có thể suy niệm nhiều hơn phần Phụng vụ Lời Chúa trước đó) hoặc chỉ cần dạo đàn (xem #174 HDMVTN). Cách thức này đặc biệt giúp ích cho các chủng sinh và các tu sinh ở địa phương khi áp dụng cho những Thánh Lễ tiếng Anh hằng tuần, khi mà họ chỉ biết một vài bài thánh ca tiếng Anh. Họ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn do không cần phải hát Ca Tiến Lễ, khỏi phải tập bài hát mới hay hát đi hát lại bài cũ.

    Trong Thánh lễ tiếng Anh ngày Chúa Nhật với người nước ngoài, thì có rất nhiều cách thức. Tuỳ thuộc vào khả năng của cộng đoàn để tập hát bài mới, hay vốn bài hát của ca đoàn và người lo về mục vụ thánh nhạc, hoặc tuỳ vào mùa phụng vụ hay những yếu tố mục vụ khác, mà chúng ta có những cách linh hoạt chọn lựa bài hát cho từng ngày Chúa Nhật: (1) chọn một bài hát mà cộng đoàn có thể hát chung với ca đoàn, (2) một bài hát chỉ mỗi ca đoàn hát, cộng đoàn lắng nghe để suy niệm, (3) một bài đơn ca, (4) dạo đàn, không hát, (5) thinh lặng, việc này đặc biệt thích hợp trong mùa Chay.

3. Chủ đề Ca Tiến Lễ không nhất thiết phải là “dâng lễ”

    Ngay sau Công đồng Vaticanô II, trong giai đoạn thần học phụng vụ vẫn còn đang phát triển, các ca trưởng đã cho rằng chúng ta “dâng” chính chúng ta trong lúc “dâng lễ vật” và vì thế họ nghĩ rằng cần phải hát bài thánh ca về “dâng” bánh và rượu, hoặc “dâng” chính bản thân mình. Đó là cách hiểu về phụng vụ đã lỗi thời. Việc dâng lễ diễn ra trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể (xem thêm bài viết của cha Ái đã đề cập đến trong trang 1). Hãy xem xét kĩ hơn các hướng dẫn khác của HĐGM Anh quốc và xứ Wales trong tài liệu Giới thiệu Mục vụ: Cử hành Thánh Lễ (Pastoral Introduction: Celebrating the Mass) năm 2005:

#180-Chuẩn bị Lễ vật: Mục đích của bất cứ bài hát nào tại thời điểm này là để hỗ trợ cho việc quyên góp tiền thau, rước của lễ, chuẩn bị lễ vật, đặc biệt là khi những việc này có thể sẽ mất nhiều thời gian. Lời bài hát không cần phải nói về bánh và rượu, hoặc dâng lễ vật. Lời bài hát có thể diễn tả niềm hân hoan, chúc tụng, cộng đoàn, hay chủ đề của mùa phụng vụ thì đều thích hợp. Vì việc Chuẩn bị Lễ vật chỉ là phần chuẩn bị, nên việc thinh lặng hay dạo dàn trong lúc này thường sẽ hiệu quả hơn. Cần chú ý rằng âm nhạc trong phần này của Thánh Lễ không nên được nhấn mạnh, vì nó có thể làm lu mờ việc cử hành chúc tụng trong Kinh nguyện Thánh Thể sau đó.

    Nhiều người sử dụng cuốn English Missal Songbook của OCP đặt câu hỏi tại sao có các mục về Nhập Lễ, Hiệp Lễ, Kết Lễ, mục theo các mùa phụng vụ, các lễ trọng và lễ kính, nhưng không có mục để tìm các bài hát “Dâng Lễ” trong sách thánh ca này. Vì có rất nhiều bài thánh ca, đặc biệt riêng từng mùa phụng vụ, có thể được phép dùng trong lúc “Chuẩn bị Lễ vật”, cho nên cuốn English Missal Songbook không muốn giới hạn sự lựa chọn của các ca trưởng khi để mục “Ca Tiến Lễ” vào. Các đại chủng viện hay cộng đoàn dòng tu có thể áp dụng điều này trong các Thánh Lễ thường nhật. Nếu họ chọn hát thánh ca trong phần này của Thánh Lễ (điều mà rất thích hợp trong những dịp lễ kính theo “Bậc Lễ”, #98 -102 HDMVTN), thì họ không có bất kì giới hạn hay bắt buộc nào phải hát một bài có lời nói về “bánh và rượu”, hoặc về “dâng lễ”.

4. Không phải bài tiếng Anh nào cũng phù hợp cho Phụng vụ

    Nhiều ca trưởng của các đại chủng viện, cộng đoàn dòng tu hay các bạn sinh viên có Thánh Lễ tiếng Anh vào ngày Chúa Nhật hay tìm kiếm những bài mới trên các trang mạng. Thường họ không có kinh nghiệm hoặc kĩ năng để nhận biết các bài mà họ tìm thấy trên YouTube có phải là một bài thánh ca Công giáo phổ biến, hay là một bài thánh ca Tin Lành, hay chỉ là một bài “Ngợi khen và Chúc Tụng” (Praise and Worship) chỉ phù hợp cho các buổi sinh hoạt hay cầu nguyện theo truyền thống Tin Lành. (Tốt nhất nên tìm kiếm từ những trang của các nhà xuất bản Công giáo, hoặc lựa chọn bài hát từ một cuốn Thánh Ca Công Giáo hoặc các nguồn tài liệu Công giáo để chắc chắn rằng những bài đó phù hợp với phụng vụ Công giáo.) Cho phần Chuẩn bị Lễ vật, có rất nhiều bài thánh ca Công giáo phù hợp. Tuy nhiên, có một bài thánh ca cũ đã được các cộng đoàn dòng tu và các bạn trẻ sinh viên tổ chức Thánh Lễ tiếng Anh tại Việt Nam biết đến nhiều nhưng không còn thích hợp nữa.

    Nên tránh sử dụng bài Blest are You, Lord of All Creation (của Aniceto Nazareth), hay còn có tên là Blessed Be God . Được sáng tác từ nhiều thập kỷ trước, lời bài hát dựa trên bản văn nghi thức được chủ tế đọc trong Thánh Lễ. Việc để cộng đoàn hát những lời này có lẽ không phù hợp, bởi những lời nguyện này dành riêng cho linh mục chủ tế, không phải bản văn nghi thức của cộng đoàn. Thậm chí những lời nguyện này không phải là bản văn nghi thức cần được nhấn mạnh (và hát sẽ càng nhấn mạnh thêm), như phần chữ đỏ trong Sách Lễ Rôma cũng chỉ rõ “Nếu có hát ca tiến lễ, linh mục đọc thầm câu trên, còn nếu không hát thì linh mục đọc lớn tiếng.” Có lẽ bài hát này đã trở nên rất phổ biến tại Việt Nam bởi ca đoàn cho rằng bài này thích hợp cho việc “dâng lễ.” Như đã nói ở trên, việc này không cần thiết. Tốt nhất nên loại bỏ bài này khỏi các Thánh Lễ tiếng Anh tại chủng viện, cộng đoàn dòng tu, và các Thánh Lễ Chúa Nhật và thay bằng những bài thánh ca thích hợp hơn. Nhưng một lần nữa, thậm chí việc hát một bài hát trong lúc Chuẩn bị Lễ vật, đặc biệt trong các Thánh Lễ hằng ngày của riêng mỗi cộng đoàn là điều không cần thiết và không bắt buộc.

HỎI & ĐÁP

Tôi là ca trưởng trong đại chủng viện và mong muốn bắt đầu có phần thinh lặng trong lúc Chuẩn bị Lễ vật, bởi vì thường diễn ra rất nhanh, và không có việc quyên góp tiền thau hay rước của lễ. Chúng tôi dường như không đủ thời gian để hát điệp khúc và một câu phiên khúc của một bài. Tuy nhiên những chủng sinh khác lại nói rằng chúng tôi phải hát. Tôi phải làm như thế nào?

Cân nhắc đưa cho các chủng sinh cuốn Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc, và nhắc họ là những linh mục tương lai cần theo những hướng dẫn của Uỷ Ban Thánh Nhạc trực thuộc HĐGM Việt Nam. Tham khảo ý kiến của vị linh mục đặc trách phụng vụ tại đại chủng viện và có thể xin cha thảo luận về việc này cho các chủng sinh khác.

Tôi là ca trưởng trong dòng tu và chúng tôi có Thánh lễ tiếng Anh một tuần một lần. Chúng tôi cố gắng có phần thinh lặng lúc Chuẩn bị lễ vật hôm thứ Tư vừa rồi và nó rất kì lạ. Chúng tôi cảm thấy khó chịu khi không hát bài nào cả. Một số chị đã yêu cầu tôi phải hát lại cho tuần tới. Tôi phải làm như thế nào?

Bất cứ thay đổi nào đều khó khăn cả, đặc biệt là trong các dòng tu. Và cũng nhưng trong cách cầu nguyện tại Việt Nam, việc thinh lặng thường rất hiếm, và hay có phần đọc kinh ngay trước và sau Thánh lễ. Và thường thường không có lúc thinh lặng nào cả trong suốt Thánh lễ. Vì thế khi có một khoảnh khắc thinh lặng trong lúc Chuẩn bị lễ vật thì sẽ có thể hơi khác thường ngay mới ban đầu. Hãy nói chuyện với vị đặc trách cộng đoàn để có một buổi nói về thinh lặng trong Thánh Lễ cho cả cộng đoàn (tham khảo Thinh Lặng Trong Cử Hành Phụng Vụ của cha Phạm Đình Ái). Hãy kiên nhẫn, sau nhiều tháng, soeur sẽ cảm thấy trân trọng những lúc thinh lặng trong thánh lễ. Nhưng hãy nhớ rằng, vào những ngày lễ trọng, lễ kính, hay những ngày trong mùa Giáng Sinh hay mùa Phục Sinh, soeur cũng có thể hát một bài Ca Tiến Lễ.

• Tôi là ca trưởng cho Thánh lễ tiếng Anh cho một nhóm nhỏ người nước ngoài. Các bạn sinh viên trong ca đoàn của tôi rất thích hát bài Blest Are You, nhưng giờ tôi biết là mình không nên hát bài này, và tại sao nó không có trong cuốn thánh ca của OCP. Thầy có gợi ý nào khác về bài “dâng lễ” có trong cuốn English Missal Songbook không để chúng tôi có thể hát trong lúc Chuẩn bị lễ vật?

Có lẽ ca viên của bạn thích hát các bè trong bài Blest Are You. Nếu thế thì tôi gợi ý bài Christify của Manoling Francisco. (Phần bè đệm nằm trong cuốn đệm đàn guitar/keyboard). Hoặc bạn cũng có thể dùng bài Take and Receive, These Alone Are Enough, My God and My All, và Take My Hands.

Bài viết này đã được Lm. Rôcô Nguyễn Duy và Uỷ Ban Thánh Nhạc xem qua và góp ý.

Xuất bản: Tháng Hai, 2019 | Ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Việt

Rufino Zaragoza, OFM

Sinh ra và lớn lên ở Los Angeles, thầy Rufino Zaragoza là một tu sĩ dòng Phanxicô. Thầy có bằng cử nhân về thánh nhạc tại trường Mount St. Mary’s College và cao học thần học tại trường Thần Học Dòng Phanxicô tại Berkeley, bang California, Hoa Kỳ. Thầy đã xuất bản nhiều bài viết về Công giáo Việt Nam, là người tiên phong trong sáng tác thánh ca đa ngôn ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban và tiếng Việt, chuẩn bị những nguồn tư liệu phụng vụ từ các truyền thống văn hoá khác nhau. Hiện tại, thầy dành khoảng sáu tháng tại Sài Gòn, Việt Nam để phát triển nguồn thánh ca tiếng Anh và hỗ trợ các các đoàn hát tiếng Anh tại Đông Nam Á. Thời gian còn lại, thầy làm cố vấn thánh nhạc tại giáo phận Orange, California.

Chia sẻ trang này: